Bí quyết giặt là đúng cách áo dài với từng chất liệu khác nhau
Đây là những bí quyết mà các nhà thiết kế đã chia sẻ để các nàng thơ có thể giặt là, bảo quản áo dài đúng cách với nhiều chất liệu vải khác nhau.
Dù thời gian có nhiều dòng chuyển nhưng những tà áo dài truyền thống của dân tộc luôn được phái đẹp yêu thích, chọn lựa và diện mỗi khi có sự kiện hay dạo phố thắng cảnh. Áo dài được may với nhiều chất liệu khác nhau như nhung, lụa, ren hay gấm… mỗi một chất liệu đều tạo lên những tà áo dài với vẻ đẹp cũng như phong cách không giống nhau. Vì vậy, cách giặt và bảo quản áo dài với từng chất liệu cũng có những điều riêng và không phải ai cũng biết cách giữ gìn đúng cách.
Áo dài nhung
Nhung được xem là chất liệu khó tính. Vì vậy, khi có vết bẩn vấy lên áo bạn hãy đem áo ngâm vào nước lạnh rồi dùng bàn chải mềm nhẹ nhàng chà cùng một ít bột giặt. Chà đến khi vết bẩn sạch hết sau đó giũ lại với nước lạnh. Với loại vải nhung, bạn đừng cắt mạnh tay vì dễ làm nhung bị nhăn, co nhúm lại, tà áo không còn được nuột nà, thẳng tắp nữa.
Áo dài vải nhung không chà quá mạnh và không vắt khô khi phơi
Nếu áo bị dính phải dầu mỡ bạn hãy dùng xăng nguyên chất đem tẩy sạch và giũ với nước lạnh cho hết mùi. Không dùng nước sôi hay bột giặt có tính kềm cao để tẩy vết bẩn này vì dầu mỡ dễ bị hòa tan và lan ra chỗ khác. Giặt lại với nước sạch khoảng ba lần, khi giũ lần hai, 2-3 giọt dấm hòa với nước có thể trung hòa mùi bột giặt trên áo, áo dài sẽ không còn mùi của bột giặt và xăng nữa.
Áo dài lụa
Lụa là chất liệu chủ yếu mà các nhà thiết kế chú trọng để may áo dài và cũng là loại vải được phái đẹp yêu thích nhất bởi sự mềm mại. Với áo dài lạu, người đẹp caafn phải bảo quản và giặt giũ theo các cách như:
- Phân loại vải lụa giặt riêng để không bị phai màu. Nhúng nhẹ áo lụa vào trong nước ấm đã hòa xà phòng, ngâm trong 5 phút với nước ấm vừa phải. Nước quá nóng sẽ khiến lụa bị giãn ra, nước lạnh sẽ khiến lụa bị co lại. Sau khi ngâm, lấy bột giặt chà nhẹ vào vết bẩn ở trên áo, không chà quá mạnh tay vì áo rất dễ bị hỏng.
- Bạn có thể tráng áo lụa với 40ml dấm trắng, dấm sẽ giúp bạn bỏ được xà phòng và giúp cho lụa được bóng hơn. Ở lần giặt cuối, bạn dùng nước lạnh để giũ lại. Để áo dài ra khỏi chậu và bóp nhẹ nhàng tà áo. Đặt áo dài nằm thẳng trên chiếc khăn to, khăn tắm giúp hấp thu nước bị thừa và không làm cho áo bị nhàu khi vắt.
Áo dài lụa có nhiều cách bảo quản để áo luôn bền mãi
Phơi áo dài lụa ở nơi thoáng gió và không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Không nên cho nước hoa hay chất có cồn vào áo lụa khi giặt áo vì khiến lụa lâu khô và rất dễ mất màu. Khi giặt xong, nên ủi mặt trong của áo, độ nóng của bàn ủi điều chỉnh ở mức vừa phải bởi nhiệt độ cao sẽ làm hỏng lụa. Không sử dụng chất tẩy để giặt vải lụa vì nó có thể phá hủy áo dài của bạn ngay lập tức.
Áo dài gấm
Áo dài vải gấm phải giặt bằng tay, tuyệt đối không được dùng máy giặt. Để áo luôn bền, đẹp và không bị phai màu bạn có thể sử dụng dầu gội đầu để giặt áo nhưng tốt nhất vẫn nên giặt khô và ủi bằng hơi.
Áo dài phi bóng
Đặc trưng của áo dài phi bóng là nhiều poly, không thấm hút mồ hôi và mặt vải rất dễ bị trầy, cước. Vì vậy, không nên có tác động mạnh lên chất vải này. Khi giặt bằng máy, hãy giặt với dung dịch và xả nhiều nước. Dùng nước cốt chanh chà vào vết bẩn rồi xả lại với nước hoặc bạn có thể dùng alcool 90 độ hòa với nước và giặt bình thường.
Thủy Ly